Văn hóa Nhật Bản là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa truyền thống và hiện đại. Vì vậy, bên cạnh quá trình hội nhập và phát triển, Nhật Bản vẫn duy trì những nét bản sắc, tạo nên một nền văn hóa độc đáo và đặc biệt. Ở Nhật, có một số quy định và lễ nghi trong ứng xử, giao tiếp mà bất kì ai cũng phải tuân theo dù thuộc giai tầng nào trong xã hội.

Đất nước Nhật Bản với nền văn hóa độc đáo và đặc biệt (Ảnh minh họa: Internet)

Xã hội Nhật Bản luôn đề cao lối sống có đạo đức, văn hóa. Mỗi người dân Nhật luôn tự giác sống có trách nhiệm với bản thân và toàn xã hội. Vì vậy, mặc dù ở Nhật Bản có rất nhiều quy tắc, lễ nghi trong giao tiếp ứng xử, đặc biệt là cách hành xử nơi công cộng, nhưng người dân Nhật không cảm thấy gò bó hay áp lực. Ngược lại, họ tuân theo những điều ấy một cách vô điều kiện và coi đó là những điều cần thiết để xây dựng một quốc gia văn minh với những con người văn minh và có tiêu chuẩn đạo đức cao.

Mỗi chuyến tàu điện ở Nhật Bản vào buổi sáng được miêu tả giống như món “cá thu đóng hộp” hay “miếng bánh sandwich” bởi mức độ đông đúc, chật chội của nó. Hàng nghìn người đổ về các ga tàu điện để đi học, đi làm. Mỗi toa tàu luôn chật kín người, và thực sự không có một khoảng trống nào dù là nhỏ nhất.

Những chuyến tàu điện ở Nhật vào buổi sáng vô cùng đông đúc và chật chội (Ảnh minh họa: Internet)

Tuy nhiên, mọi thứ vẫn diễn ra rất quy củ và gần như không bao giờ xảy ra việc chen lấn, xô đẩy hay tranh giành, mâu thuẫn. Bởi vì người Nhật có rất nhiều quy định đối với việc đi tàu điện. Một trong những nguyên tắc chính là không được phép nói chuyện điện thoại.

Có nhiều lý do cho việc xuất hiện quy định này, nhưng mọi người dân Nhật Bản đều đồng ý với ba lý do chính khiến họ sẵn sàng tôn trọng và tuân theo.

Lý do thứ nhất: Tôn trọng sự riêng tư

Nhiều người dành thời gian di chuyển trên tàu để đọc sách, đọc báo hoặc ngủ (Ảnh minh họa: Internet)

Chính bởi vì khoảng cách giữa người với người trên tàu điện là vô cùng chật hẹp, vì thế việc nghe và nói chuyện điện thoại sẽ rất bất tiện. Nội dung câu chuyện của bạn sẽ lọt cả vào tai người khác, và đó có thể là chuyện gia đình, chuyện bạn bè hay chuyện nơi công sở. Chính bản thân bạn sẽ thấy bất tiện vì không ai muốn tiết lộ đời sống cá nhân của mình với người khác.

Nhiều người thường tranh thủ khoảng thời gian trên tàu điện để đọc sách, đọc báo hoặc ngủ. Âm thanh cuộc điện thoại và giọng nói chuyện của bạn có thể sẽ làm gián đoạn công việc họ đang làm, và điều đó được cho là vô cùng bất lịch sự.

Lý do thứ hai: Giữ trật tự nơi công cộng

Việc nghe điện thoại trên tàu sẽ gây khó chịu và bất tiện cho người khác (Ảnh minh họa: Internet)

Nếu tiếng chuông điện thoại của bạn bỗng vang lên giữa khoảng không gian vô cùng tĩnh lặng trên tàu điện, bạn sẽ nhận được không ít những ánh mắt khó chịu và có phần bực bội của mọi người.

Hơn nữa, khi có chuông điện thoại, bạn sẽ phải quay người, cho tay vào túi áo, túi quần để lấy hoặc tắt máy. Hành động này sẽ gây ra sự náo loạn quanh khu vực bạn đang đứng bởi không gian trên tàu vô cùng hạn hẹp.

Lý do thứ ba: Tuân thủ quy định khi đi tàu điện ngầm

Có quy định rõ ràng về việc không nghe điện thoại, hoặc tắt máy khi đi tàu điện (Ảnh minh họa: Internet)

Trên nhiều chuyến tàu ở Nhật Bản có bảng chú ý, yêu cầu hành khách không nói chuyện điện thoại khi đi tàu. Một số nơi còn quy định rõ việc tắt chuông điện thoại hoặc thậm chí tắt nguồn và ai cũng phải tuân theo. Chính phủ Nhật Bản dường như hiểu rất rõ người dân của họ, và mọi quy định đều nhằm mục đích gìn giữ được bản sắc và văn minh của con người Nhật Bản.

Người Nhật đang chứng minh nguyên tắc tôn trọng người khác cũng chính là tôn trọng chính mình, suy nghĩ cho người khác cũng là đang suy nghĩ cho chính mình. Không ngạc nhiên khi đất nước Nhật Bản dù phát triển vô cùng nhanh chóng nhưng không hề bị hòa tan trong xu thế toàn cầu hóa. Người dân Nhật Bản luôn giữ cho mình những điểm khác biệt và độc đáo, đó chính là lối sống có văn hóa, có đạo đức, có trách nhiệm không chỉ với bản thân mà còn với cả cộng đồng.

Lý Minh (tổng hợp)

Xem thêm: