Ngôi sao này, với cái tên KIC 8462852, tọa lạc giữa chòm sao Thiên Nga (Cygnus) và chòm sao Thiên Cầm (Lyra) được miêu tả là ngôi sao bí ẩn nhất trong hệ Ngân Hà của chúng ta. Ngôi sao này vô hình trước con mắt thịt, nhưng lại hữu hình trước Kính viễn vọng Không gian Kepler. Cứ sau vài năm, ngôi sao này sẽ mờ đi một cách đáng kể và thất thường, và cho tới nay chưa ai có thể giải thích một cách rõ ràng đặc tính kỳ lạ này của nó.

Một số nhà khoa học đã nhìn nhận rằng tình trạng mờ đi bất thường của ngôi sao này có thể là do một siêu công trình của người ngoài hành tinh, sử dụng các tấm chắn quang học để khai thác năng lượng từ ngôi sao đó. Tuy giả thuyết này đã được thừa nhận là rất xa vời, nhưng không phải là không thể.

Tiến sĩ Tabetha Boyajian, một nhà thiên văn học từ Đại học Yale (Mỹ), đã nghiên cứu trạng thái biểu hiện của ngôi sao này trong một khoảng thời gian, và gần đây đã công bố một bài viết trên Báo cáo hàng tháng của Hội Thiên văn học Hoàng gia (Monthly Notices of the Royal Astronomical Society), trong đó đưa ra những một số cách giải thích tiềm tàng, bao gồm sự sai số của thiết bị, mảnh vụn văng ra từ một vành đai tiểu thiên thạch, hay một vụ va chạm giữa các hành tinh.

“Chúng tôi đã đưa ra một loạt các trường hợp bao quát để giải thích cho sự xuất hiện của các đốm mờ, nhưng hầu hết trong chúng đều không thành công trong việc giải thích toàn diện các quan sát thấy được”, TS Boyajian và các đồng nghiệp báo cáo trong bài viết.

Tuy nhiên, cô cũng nói thêm rằng trong số tất cả các trường hợp được xem xét, trường hợp có khả năng cao nhất là do sự tan rã của một ngoại sao chổi.

Giả thuyết 1: do sự tan rã của một ngoại sao chổi

One explanation for the star’s dimming is the break-up of exocomets around the star (NASA’s Marshall Space Flight Center / flickr) Một cách giải thích cho hiện tượng mờ đi của ngôi sao là sự tan rã của các ngoại sao chổi xung quanh ngôi sao đó. (Ảnh: Trung tâm Không gian Marshall của NASA / flickr)
Sự tan rã của các ngoại sao chổi xung quanh ngôi sao có thể là một cách giải thích cho hiện tượng mờ đi của ngôi sao đó. (Ảnh: Trung tâm Không gian Marshall của NASA/flickr)

Theo giả thuyết này, một nhóm các ngoại sao chổi có thể đã tiếp cận quá gần ngôi sao nên bị phân rã dưới trọng lực khổng lồ của nó, sản sinh ra một lượng lớn khí ga và bụi. Tạp chí New Scientist báo cáo rằng nếu các sao chổi nằm trên một đường quỹ đạo đồng tâm bao quanh ngôi sao, di chuyển trước mắt nó cứ sau khoảng 700 ngày, và bị tan rã và phân tán khi chúng chuyển động, thì điều đó có thể lý giải cho các đốm sáng mờ đi một cách kỳ lạ. Tuy nhiên, TS Boyajian cũng thừa nhận rằng cần tiến hành thêm rất nhiều nghiên cứu để kiểm định giả thuyết này, vì kết luận đó vẫn chưa hoàn toàn thuyết phục được tất cả mọi người.

“Nếu điều đó xảy ra gần đây đến vậy thì sẽ là một sự trùng hợp đáng kinh ngạc, tức là xảy ra chỉ một vài thiên niên kỷ trước khi con người phát triển được công nghệ để có thể mang một chiếc kính viễn vọng lên không gian [1]”, Ross Anderson đã viết trên tạp chí The Atlantic. “Đây quả là một khoảng thời gian ngắn, khi so sánh trên phạm vi vũ trụ”.

Cách giải thích khác – siêu công trình của người ngoài hành tinh

Tờ Washington Post báo cáo rằng khi số liệu của TS Boyajian được gửi đến nhà thiên văn học Jason Wright, thành viên của Trung tâm Ngoại hành tinh và những thế giới có thể cư ngụ và Trung tâm nghiên cứu Sinh học Thiên thể thuộc Đại học Penn State, ngôi sao và trạng thái biểu hiện kỳ lạ của nó đã bắt đầu thu hút thêm được nhiều sự chú ý.

“Khi tôi trao đổi với TS Boyajian qua điện thoại, cô giải thích rằng bài viết gần đây của cô mới chỉ xem xét các trường hợp ‘tự nhiên’”, ông Wright trao đổi với tạp chí The Atlantic. “Nhưng, cô nói cũng đang cân nhắc ‘các trường hợp khác’”.

Cả ông Wright và TS Boyajian đều đang xem xét khả năng có một công trình của người ngoài hành tinh hiện hữu xung quanh hành tinh này và khai thác nguồn năng lượng từ nó, có lẽ là dạng thức năng lượng Mặt Trời. Tuy họ thừa nhận khả năng này là rất xa vời, nhưng họ tin rằng giả thuyết này rất đáng cân nhắc, dù với một thái độ hoài nghi.

“Khi [TS Boyajian] cho tôi xem các số liệu, tôi đã rất chấn động trước hình dạng kỳ lạ của nó”, ông Wright trao đổi với tạp chí The Atlantic. “Người ngoài hành tinh luôn là giả thuyết được cân nhắc cuối cùng, nhưng đây quả thật trông giống như sản phẩm của một nền văn minh ngoài hành tinh”.

Ông Wright đang chuẩn bị một bài viết phân tích chi tiết cách giải thích thay thế này.

Wright suggests that an alien megastructure or series of megastructures may be harnessing energy from the star. (Wikipedia) Ông Wright gợi ý rằng một siêu công trình hay một loạt các siêu công trình của người ngoài hành tinh có thể đang khai thác năng lượng từ ngôi sao này. (Ảnh: Wikipedia)
Ông Wright gợi ý rằng một siêu công trình hay một loạt các siêu công trình của người ngoài hành tinh có thể đang khai thác năng lượng từ ngôi sao này. (Ảnh: Wikipedia)

Khám phá giả thuyết liên quan đến người ngoài hành tinh

Tuy các giả thuyết về sự hiện hữu của sinh vật ngoài Trái Đất đều rất hiếm khi được công nhận, nhưng giả thuyết của ông Wright và TS Boyajian lại đặc biệt nhận được rất nhiều sự quan tâm. Hai người hiện đang làm việc với Andrew Siemion, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu SETI tại Đại học California, Berkeley, để soạn một bản kiến nghị quay một chiếc kính viễn vọng vô tuyến về phía ngôi sao này nhằm tìm kiếm các tần số của hoạt động công nghệ.

“Nếu họ thu được một lượng lớn sóng radio, họ sẽ tiếp tục với phương pháp đo giao thoa vô tuyến với tập hợp các kính viễn vọng Very Large Array ở bang New Mexico. Chúng có khả năng kết luận liệu các sóng vô tuyến có được phát ra từ một nguồn công nghệ hay không, giống như những sóng vô tuyến từ hệ thống các đài phát thanh trên Trái Đất phát vào vũ trụ, tạp chí The Atlantic báo cáo.

Dự kiến các quan sát đầu tiên bằng kính viễn vọng sẽ được tiến hành vào tháng 1/2016.

very large array
Các kính viễn vọng trong phép đo giao thoa vô tuyến ở bang New Mexico, Mỹ (Ảnh: Dave Finley, AUI, NRAO, NSF)

Tác giả: April Holloway, Ancient Origins.
Đăng tải với sự cho phép. Đọc bản gốc ở đây.
Quý Khải biên dịch

Xem thêm: